KẾ HOẠCH Số 15/KH-BCĐ về Phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có ca mắc COVID-19 tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh
KẾ HOẠCH Phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có ca mắc COVID-19 tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh
KẾ HOẠCH
Phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý
khi có ca mắc COVID-19 tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh
Căn cứ Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 về quản lý, giám sát đối tượng nguy cơ thích ứng linh hoạt, hiệu quả với yêu cầu phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới, hạt nhân là mô hình Tổ Covid -19 cộng đồng;
Thực hiện Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị; Công văn số 2363/SYT-NVY ngày 19/10/2021 về hướng dẫn triển khai hoạt động Tổ Covid -19 cộng đồng.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid -19 của Văn phòng UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và phương án phòng, chống dịch khi có các trường hợp mắc Covid - 19 tại Văn phòng, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
Mục tiêu chung
Đảm bảo an toàn thích ứng phòng, chống dịch Covid -19 theo các mức độ nguy cơ.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng các biện pháp phòng,chống dịch và phương án xử lý khi có ca mắc Covid -19.
- Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để sẵn sàng phòng, chống dịch theo cấp độ dịch với phương châm “4 tại chỗ” tại cơ quan.
II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
1. Đối với phòng, ban, trung tâm
1.1. Trưởng các phòng, ban, trung tâm thuộc Văn phòng chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch của đơn vị mình; có trách nhiệm phân công đầu mối triển khai công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; triển khai tổ chức thực hiện các công việc:
- Tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và theo dõi, nhắc nhở công chức, viên chức, người lao động (sau đây viết tắt là CBCCCV và NLĐ) thuộc đơn vị mình chủ động, tự giác, kịp thời báo cáo về tình hình sức khỏe và các vấn đề về y tế liên quan dịch bệnh Covid-19 của bản thân, người thân và gia đình khi có tiếp xúc gần với ca bệnh (F0), F1, F2.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Văn phòng thông qua Phòng Hành chính - Tổ chức (Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo) khi phát hiện CBCCCV và NLĐ tiếp xúc gần (F1, F2), nghi ngờ mắc Covid-19 (ho, sốt, khó thở...), mắc Covid-19 (F0) để tham mưu phương án xử lý theo quy định. Đồng thời, kiến nghị các biện pháp xử lý kịp thời trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch (nếu có) tại nơi làm việc theo quy định phòng, chống dịch.
- Chủ động phối hợp với Phòng Hành chính - Tổ chức và các phòng, đơn vị liên quan truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi đơn vị có trường hợp mắc Covid - 19 hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Chủ động theo dõi sức khỏe của CBCCCV và NLĐ hằng ngày; yêu cầu CBCCCV và NLĐ tự theo dõi sức khỏe tại nhà; khi có một trong các triệu chứng: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… phải đến ngay cơ quan Y tế kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trường hợp là F0, F1, F2 thì yêu cầu thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống dịch; thông báo cho Phòng Hành chính - Tổ chức để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và tổng hợp lập danh sách các trường hợp có liên quan để quản lý, theo dõi.
- Đối với các đơn vị có bộ phận thường xuyên tiếp đón, làm việc với khách (bảo vệ, an ninh cơ quan, văn thư, tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính,...): yêu cầu những người được phân công làm việc với khách phải thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K, đặc biệt bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.
- Trong trường hợp cần thiết, đề xuất lãnh đạo Văn phòng giảm số người làm việc tại đơn vị; tăng cường họp trực tuyến, làm việc tại nhà…
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch khác do Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Văn phòng chỉ đạo.
1.2. Phòng Hành chính - Tổ chức:
- Là đầu mối để tổng hợp kết quả giám sát hằng ngày của các Tổ Covid cộng đồng, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cơ quan.
- Quản lý người lao động về các thông tin gồm: họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ nơi ở, số điện thoại; yêu cầu người lao động thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1. Quản lý CBCCCV và NLĐ có nguy cơ, đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch.
- Tạo mã QR tại cổng ra vào để thực hiện quản lý người ra vào Trụ sở cơ quan. Tăng cường tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, người đến liên hệ công tác (sau đây gọi là khách) phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo qui định; bố trí biển báo phòng, chống dịch đối với người lao động, khách;
- Phối hợp với cơ quan y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho án bộ, công chức, viên và người lao động cơ quan.
1.3. Phòng Quản trị - Tài vụ:
- Tham mưu xây dựng phương án:
+ Bố trí các phòng cách ly tạm thời cho CBCCCV và NLĐ, khách đến liên hệ công tác thuộc các đối tượng F0, F1, F2 được phát hiện khi đang làm việc tại cơ quan. Phòng cách ly phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
+ Bố trí phòng làm việc, nơi ăn, nghỉ, nhân lực phục vụ và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương án có trường hợp F1 phải cách ly vẫn phải làm việc trực tiếp tại cơ quan.
+ Trang bị đầy đủ trang thiết bị vật tư, y tế và các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch tại cơ quan: Quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, nước rửa tay, nước sát khuẩn, giấy lau tay sử dụng một lần hoặc khăn lau tay để làm khô tay…; bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy tại các khu vực dùng chung (các tầng làm việc, khu vệ sinh…); khu vực rửa tay, vệ sinh phải đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay cho CBCCCV và NLĐ, khách đến liên hệ công tác.
- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tại các vị trí thường xuyên tiếp xúc.
2. Đối với người lao động
- Thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách tại nơi làm việc, cuộc họp, hội nghị, các khu vực tại cơ quan phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid - 19.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; sẵn sàng chuyển qua chế độ làm việc trực tuyến khi có tình huống.
- Yêu cầu các đơn vị, cá nhân đến liên hệ công tác, cung cấp dịch vụ phải chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch của cơ quan.
- Thường xuyên tự vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ làm việc và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn.
- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc, khách đến liên hệ công tác có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở..., hoặc là F0, hoặc F1 hoặc F2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc, khách hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và báo ngay cho Trưởng phòng, đơn vị và Phòng Hành chính - Tổ chức.
- Đối với người lao động có nguy cơ cao (bộ phận tiếp đón, làm việc với khách...), ngoài các hướng dẫn chung ở trên, cần lưu ý: Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết; nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên và dùng giấy lau tay sử dụng một lần hoặc khăn lau tay để làm khô tay; sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (bao gồm cả khẩu trang, kính, găng tay...) theo quy định.
- Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có dịch:
Ngoài các hướng dẫn ở trên, cần lưu ý:
+ Tham khảo thông tin về các khu vực có dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://ncov.moh.gov.vn để đánh giá nguy cơ của chuyến công tác.
+ Thực hiện xét nghiệm Sars-Cov-2 trước khi đi công tác và sau khi đi công tác theo quy định.
+ Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của tỉnh Thái Bình và chính quyền địa phương nơi đến công tác.
+ Thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K.
+ Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời, đồng thời thông báo với Trưởng phòng, đơn vị và Phòng Hành chính -Tổ chức.
+ Sau khi đi công tác từ khu vực có dịch về, phải thực hiện ngay việc khai báo y tế và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh.
III. CÁC PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ KHI CÓ TRƯỜNG HỢP NGHI MẮC COVID-19, F1, F2 VÀ CÓ CA BỆNH
1. Phương án khi có trường hợp F1 tại đơn vị
Khi phát hiện có trường hợp F1 tại nơi làm việc thì Trưởng các phòng, đơn vị thực hiện theo các bước sau (bước 1 đến bước 4):
- Bước 1: Báo cáo ngay với Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cơ quan (qua Bộ phận thường trực).
- Bước 2: Tuân thủ Thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 2 mét với những người khác; kịp thời liên hệ với cơ quan Y tế để làm xét nghiệm.
- Bước 3: Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Tự vệ cơ quan di chuyển trường hợp F1 đến phòng cách ly tạm thời (lưu ý hạn chế tối đa di chuyển bằng thang máy).
- Bước 4: Phòng Hành chính - Tổ chức đề xuất đưa trường hợp F1 đi cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà), trừ trường hợp đặc biệt theo yêu cầu nhiệm vụ phải làm việc trực tiếp tại cơ quan. Rà soát toàn bộ người lao động trong đơn vị theo danh sách quản lý (số có mặt, số vắng mặt, số đang nghỉ, số đang đi công tác) và các trường hợp có liên quan để quản lý, theo dõi.
- Bước 5: Phòng Quản trị - Tài vụ liên hệ, phối hợp với ngành Y tế thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc theo đúng quy định.
* Đối với trường hợp F1 phải cách ly mà vẫn phải làm việc trực tiếp tại cơ quan (thực hiện theo Phương án cách ly riêng).
Phưnơg án có trư ờnghợp F2 tại đơn vị
Khi phát hiện có trường hợp F2 tại nơi làm việc thì Trưởng các phòng, đơn vị thực hiện theo Bước 1, Bước 2 của Mục 1 và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngành Y tế.
* Đối với trường hợp F2 có nguy cơ cao mà vẫn phải làm việc trực tiếp tại cơ quan (thực hiện theo Phương án cách ly riêng).
3. Phương án khi có trường hợp mắc Covid - 19 (F0)
Khi phát hiện người có trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc, Phòng Hành chính - Tổ chức tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cơ quan kích hoạt ngay phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid -19; theo các bước sau:
- Bước 1:
+ Đối với trường hợp F0, yêu cầu không di chuyển khỏi phòng làm việc, không tiếp xúc với người khác, chờ được hướng dẫn, xử lý theo quy định của cơ quan Y tế.
+ Đối với F1 (đang làm việc chung phòng, đơn vị với F0 và các trường hợp có tiếp xúc gần F0) yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và di chuyển đến phòng cách ly tạm thời của cơ quan, chờ được hướng dẫn, xử lý theo quy định của cơ quan Y tế.
- Bước 2: Tổng hợp thông tin, báo cáo và phối hợp với cơ quan Y tế, chính quyền địa phương để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
- Bước 3: Phối hợp cơ quan Y tế, chính quyền địa phương, phối hợp Y tế cơ quan truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
- Bước 4: Thông báo cho toàn thể CBCCVC và NLĐ đang có mặt tại đơn vị không tự ý di chuyển; phối hợp cơ quan Y tế tiếp tục thực hiện việc truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch theo quy định
- Bước 5: Sau khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; khi môi trường làm việc được bảo đảm an toàn thì cơ quan, đơn vị tiếp tục trở lại làm việc bình thường.
IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của trưởng các phòng, ban, trung tâm
- Tổ chức tuyên truyền, triển khai Kế hoạch này đến CBCCVC và NLĐ để thực hiện; phân công đầu mối triển khai công tác phòng chống dịch của phòng, đơn vị. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Quản trị - Tài vụ và các phòng, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
- Chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Văn phòng về công tác xử lý, ứng phó với các tình huống thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của phòng, đơn vị mình.
2. Trách nhiệm cụ thể các phòng, đơn vị liên quan
2.1. Phòng Hành chính - Tổ chức:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc các phòng, đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp kết quả, báo cáo Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Văn phòng theo quy định.
- Phối hợp với ngành Y tế truy vết khi có trường hợp F1, F2 và các trường hợp có liên quan.
- Chủ động đề xuất phương án làm việc khi cơ quan phát sinh trường hợp nhiễm Covid -19.
2.2. Phòng Quản trị - Tài vụ:
- Xây dựng kế hoạch kinh phí cho việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại cơ quan Văn phòng theo quy định.
- Thực hiện việc mua sắm, tiếp nhận các nguồn tài trợ (nếu có) trang thiết bị, vật tư, đồ bảo hộ y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch tại cơ quan.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án khi có CBCCVC và NLĐ là F1, F2 (có nguy cơ) cao mà vẫn phải giải quyết công việc tại cơ quan.
2.3. Ban Tiếp công dân tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hội nghị tỉnh căn cứ điều kiện thực tế, xây dựng các phương án phòng, chống dịch tại đơn vị, trình Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống, dịch của Văn phòng cho ý kiến và tổ chức thực hiện theo quy định.
2.4. Đoàn Thanh niên cơ quan, Đội tự vệ cơ quan có trách nhiệm huy động lực lượng, phối hợp với cơ quan Y tế và các phòng, đơn vị trong việc di chuyển, thực hiện cách ly…khi cơ quan phát sinh các trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19, trường hợp F1 và các trường hợp có liên quan.
2.5. Các Tổ Covid-19 có trách nhiệm chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các phòng, trung tâm phản ánh những vấn đề phát sinh về Phòng Hành chính - Tổ chức để tổng hợp, trình Chánh Văn phòng,Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp./.
| TRƯỞNG BAN CHÁNH VĂN PHÒNG UBND TỈNH Hà Tiến Thăng (đã ký) |