Bài phát biểu của đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021
Bài phát biểu của đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021
Kính thưa đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy!
Kính thưa Đoàn chủ tọa kỳ họp!
Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội; các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh!
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa các vị cử tri và nhân dân trong tỉnh!
Tại kỳ họp thứ 10, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân khóa XVI, 11 báo cáo, 22 tờ trình theo dự kiến nội dung chương trình làm việc. Qua thảo luận tại tổ, tại hội trường, các vị đại biểu đã có những ý kiến phát biểu sâu sắc, phân tích đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời, các vị đại biểu cũng đã phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cử tri quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến để Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 đã đề ra. Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị cử tri và các vị đại biểu khách mời.
Tại kỳ họp, một số đồng chí giám đốc sở, thủ trưởng ngành đã phát biểu và báo cáo giải trình một số vấn đề theo yêu cầu của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau đây, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề mà Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri, nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Kính thưa Đoàn chủ tọa! Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
6 tháng đầu năm nền kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ song song 2 nhiệm vụ thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội theo chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc chúng ta kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng là một thắng lợi rất lớn - đây là sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, với tinh thần chống dịch như chống giặc, chúng ta đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ở cả 3 cấp; cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức ngành y tế, y bác sĩ, trong đó các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh là những người ở tuyến đầu chống dịch; ngoài 23 trường hợp chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 7 trường hợp người Việt Nam từ nước ngoài về được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã khỏi và xuất viện. Để có được kết quả phấn khởi này, còn là sự đoàn kết, đồng lòng, sẻ chia, mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc; các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và nhân dân đã tích cực ủng hộ sức người, sức của để phòng chống dịch bệnh; tổng số tiền và hiện vật tương đương trên 25 tỷ đồng; trong đó bằng hiện vật quy ra tiền khoảng 11,78 tỷ đồng. Những kết quả này hết sức trân trọng và cần được phát huy hơn nữa trong thời điểm chúng ta còn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, tuy nhiên đến nay, các ngành sản xuất, dịch vụ từng bước phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 44,4% kế hoạch năm, tăng 4,62% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh tăng 3,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 10.044,4 tỷ đồng, đạt 62,3% dự toán. (mức tăng trưởng 4,62% là khá tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và của tỉnh, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước (1,81%) và đứng thứ 4/10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng).
Công tác quản lý tài chính và thu chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo; thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 9.321,9 tỷ đồng, đạt 69,5% dự toán năm, trong đó: thu nội địa ước thực hiện 2.920,8 tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán năm, bằng 88,4% so với cùng kỳ. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt. Thái Bình được đánh giá là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao thứ 3 cả nước.
Tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản ổn định; đang chyển dần sang sản xuất hàng hóa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; năng suất lúa xuân cao hơn 5,6 tạ/ha so với trung bình các tỉnh trong khu vực. Nuôi trồng và khai thác thủy sản ổn định; chăn nuôi trang trại được duy trì phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, đến nay toàn tỉnh có 100 % số xã, các huyện, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác triển khai và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình được chú trọng; UBND tỉnh đã chấp thuận cho 15 nhà đầu tư triển khai tài trợ lập 18 quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, huyện, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tỉnh Thái Bình xếp thứ 28 trong cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2018.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chú trọng quan tâm; triển khai hỗ trợ kịp thời cho người dân do ảnh hưởng của dịch Covid -19 đảm bảo công khai, đúng đối tượng, đúng chính sách quy định.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; băng nhóm tội phạm được cơ quan thẩm quyền phát hiện, điều tra; bước đầu mang lại niềm tin trong nhân dân; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được duy trì nề nếp, đúng quy định.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy còn những tồn tại, yếu kém, cụ thể là 8 vấn đề như trong báo cáo đã nêu. Trong đó, chúng ta cần tập trung cao độ để đạt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP đã đề ra (đạt khoảng 10% trở lên so với năm 2019), đặc biệt là khối ngành công nghiệp và dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ; sản phẩm xuất ra ngoài tỉnh chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng không cao. Công nghiệp phát triển chưa bền vững; chưa thu hút được nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn chậm do chua đủ nguồn vốn bố trí (dự án tuyến đường bộ ven biển, đường 221A, đường 223…). Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường còn hạn chế; một số nơi còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, vi phạm, sử dụng sai mục đích về đất đai. Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp và làng nghề còn chậm. Chất lượng đào tạo nghề còn thấp, việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cho một số đối tượng còn chậm. Công tác quản lý hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá ở một nơi còn để xảy ra vi phạm. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo ở một số địa phương chưa hiệu quả, còn xảy ra tình trạng tập trung đông người tại khu vực cổng trụ sở Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động của một số băng nhóm tội phạm chưa được xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng vi phạm trật tự đô thị, hành lang lưới điện, hàng lang an toàn giao thông, đặc biệt việc vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ còn xảy ra nhiều.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan như sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số cơ chế chính sách của Nhà nước vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ…; những tồn tại, yếu kém này còn do việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của tỉnh và công tác chỉ đạo điều hành ở một số ngành, địa phương chưa tốt, dẫn tới việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị trong chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Trình độ, năng lực và ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời nên việc triển khai các nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi chưa đồng bộ, hiệu quả.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Theo dự báo của Chính phủ, 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị và kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường và đại dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp.
Ở trong nước và trong tỉnh, các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là đời sống của người lao động.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra và được nêu trong các báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh; cần có sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, 6 tháng cuối năm GRDP cần đạt mức tăng trưởng khoảng 14,8%, giá trị sản xuất cần đạt mức tăng trưởng trên 23%. Như vậy, mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là vô cùng khó khăn, thách thức.
Qua ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến tham gia của cử tri; thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao độ, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo trình kỳ họp; tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Một là: Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tập trung triển khai quyết liệt để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào Khu kinh tế Thái Bình; đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của Thái Bình trong thời gian tới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồ án quy hoạch các khu chức năng trong Khu kinh tế. Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lập dự án đầu tư, trình phê duyệt chấp thuận và cấp phép đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án được nhanh chóng triển khai thực hiện. Đây là những công việc hết sức khó khăn, cần nhiều thời gian, công sức, đỏi hỏi các sở, ban, ngành, các huyện thành phố phải hết sức nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng mới thực hiện được các mục tiêu này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế, từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu này.
Hai là: Hoàn thiện các thủ tục để giao đất, đồng thời hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư cho dự án Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp của tập đoàn Thaco Trường Hải; Đây là dự án lớn về nông nghiệp công nghệ cao, rất phù hợp với đặc điểm, thế mạnh, định hướng phát triển của tỉnh chúng ta. Nhà đầu tư đã hết sức tích cực, các sở ngành và huyện Quỳnh Phụ cũng đã hết sức tập trung; trong thời gian tới chúng ta cần hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại để tiến hành bàn giao đất ngoài thực địa theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc xin ý kiến thẩm định của các bộ ngành, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thuê đất và các thủ tục đầu tư để có thể khởi công vào tháng 8/2020.
Ba là: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: tuyến đường bộ ven biển, đường 221A, đường 223 đi cầu Tịnh Xuyên, tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn.
Đối với công trình Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cần xây dựng tiến độ cụ thể để xác định thời điểm tổ chức gắn biển khánh thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chỉ đạo việc di chuyển thư viện cũ về địa điểm mới.
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ; nếu hoàn thiện sớm có thể tổ chức cùng với dịp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự lễ khánh thành Tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam", đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh vào ngày 16/8/2020 và tổ chức Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII vào ngày 17/8/2020.
Ngoài ra chúng ta cần hoàn thiện thủ tục để khởi công hoặc động thổ tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn và một số dự án trong Khu kinh tế Thái Bình (Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái của Green IP, Khu công nghiệp- đô thị - dịch vụ Hải Long của Công ty CP đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh, Khu bến Ba Lạt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành), coi đây là bước khởi đầu, tạo đà cho sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung trong thời gian tới.
Bốn là: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; ngành Y tế phải sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly, điều trị thành công đối với người Thái Bình và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về Thái Bình; kiên quyết không để lây chéo ở khu cách ly, khu điều trị và tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng chính sách.
Năm là: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động rà soát, giải quyết những vướng mắc, búc xúc trong nhân dân. Thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị; nhất là thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngành Công an phối hợp với ngành Kiểm sát, Tòa án khẩn trương hoàn thiện công tác điều tra để đưa ra truy tố xét xử vụ án băng nhóm tội phạm Đường Dương và các đối tượng có liên quan, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai và bỏ lọt tội phạm, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân trong tỉnh.
Sáu là: Chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, hiệu quả các nhiệm vụ thu chi tài chính, ngân sách. Tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu ngân sách nhà nước do dịch Covid-19 gây ra. Các huyện, thành phố phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính, ngân sách cấp mình để bảo đảm mọi hoạt động đối với trường hợp giảm thu so với dự toán.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất xen kẹp trong các khu dân cư; rà soát, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các khu đất trụ sở cơ quan, trường học không còn nhu cầu sử dụng để đưa ra đấu giá, để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về đầu tư công, và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thủ tục hành chính, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Tiến hành rà soát cơ cấu vốn đầu tư, cắt giảm và giãn tiến độ trả nợ, cắt giảm đầu tư đối với các dự án chưa thực sự cần thiết, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bẩy là: Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đề nghị các đồng chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và địa phương; tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, có thể liên hệ mời các trường đại học về giúp việc chấm thi trắc nghiệm; đồng thời xây dựng, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tám là: Các cấp, các ngành, các địa phương chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt nhất và tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đặc biệt các vấn đề, công việc liên quan đến các công trình chào mừng Đại hội, đảm bảo yêu cầu trong công tác tuyên truyền, trang trí, cổ động trực quan, công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Đại hội.
Chín là: Tiếp tục tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, làm tốt hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án 5 tại chỗ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các đồng chí thực hiện nghiêm túc Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố mà tỉnh đã ban hành. Đây sẽ là công cụ quan trọng để UBND tỉnh giám sát, chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành, UBND huyện và thành phố; đồng thời hỗ trợ cho lãnh đạo các cơ quan trên nhận diện điểm mạnh, hạn chế trong điều hành, từ đó xác định những vấn đề trọng tâm cần cải cách, giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Nhân kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thông qua giám sát để tham gia ý kiến trực tiếp, kịp thời với các cấp, các ngành, các địa phương và với Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra; đặt quyết tâm cao nhất để thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2020, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh tôi xin gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các quý vị đại biểu, các vị cử tri cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.